Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết,ệnhviệnởTPHCMquátảixuốngcấpnhưngxâymớiquáìạhợp số UBND TP.HCM đã có văn bản đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án xây dựng mới khu A - Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) do bệnh viện này làm chủ đầu tư sang Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (gọi tắt là Ban Dân dụng và công nghiệp) làm chủ đầu tư.
Dự án khu A - Bệnh viện Trưng Vương được khởi công xây dựng vào ngày 15.11.2021.Công trình được xây dựng trên diện tích gần 4.700 m2 bao gồm 1 tầng hầm và 5 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 22.313,8 m2, tổng mức đầu tư 313 tỉ đồng, thời gian thi công dự kiến 16 tháng. Theo như tiến độ đề ra, công trình phải hoàn thành vào tháng 3.2023, nhưng lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương cho hay, đến nay chỉ mới xây dựng được khoảng 70% phần thô, đã được gia hạn đến hết năm 2023.
"Đối với các dự án bên nhà thầu thi công quá chậm thì có Bệnh viện Trưng Vương. 3 tuần qua, nhà thầu là Công ty cổ phần Hải Đăng (nhà thầu chính) không thi công, vì nhà thầu biết UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao Ban Dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư. Nhà thầu đợi chuyển chủ đầu tư thì mới thực hiện tiếp", đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết và thông tin thêm, sắp tới, Bệnh viện Trưng Vương sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ công trình cho Ban Dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư.
Trúng thầu 2 bệnh viện, thi công chậm cả 2
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngoài ra, còn 2 dự án bệnh viện thi công chậm nữa là Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM.
Về dự án Bệnh viện Nhân dân Gia Định, vừa qua Sở Y tế TP.HCM cũng đã cũng đã có báo cáo Sở Xây dựng hỗ trợ ngành y tế. Theo đó, vào 24.8.2023, Sở Y tế và Sở Xây dựng đồng chủ trì họp giải quyết, và nhà thầu là Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Thành Đô cam kết đầu tháng 9 triển khai thi công tiếp tục. Nhưng đến ngày 25.9, Sở Y tế xuống khảo sát lại thì nhà thầu cũng chưa triển khai theo cam kết như hồi tháng 8.
Dự án khu nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định được khởi công vào ngày 17.3.2020. Dự án có quy mô 2 tòa nhà 15 tầng, với tổng số tiền đầu tư hơn 600 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay. Đến nay, dự án được gia hạn kéo dài qua giữa năm 2024. Đến ngày 16.10, lãnh đạo BV Nhân dân Gia Định cho PV Thanh Niên cho biết, Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Thành Đô đã tăng cường nhân sự để thi công công trình.
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngay cả Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, nhà thầu là Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Thành Đô cũng chưa triển khai theo cam kết là đầu tháng 9 triển khai toàn bộ công trình. Nhà thầu thi công báo đang khó khăn về tài chính. Sở Y tế cũng đã có báo cáo tình hình cho UBND TP.HCM.
Trước đó, dự án công trình cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM được khởi công xây dựng vào ngày 3.11.2021, dự án này cũng đã được gia hạn thời gian đến năm 2024.
'Đau đầu' vì giải ngân đầu tư công chậm
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, giải ngân đầu tư công là vấn đề hết sức "đau đầu" của các bệnh viện đang có công trình xây dựng, và ngành y tế rất lo lắng vì khả năng khó đạt kế hoạch đã đề ra.
Theo đó, năm 2023 ngành y tế TP.HCM thực hiện 16 dự án, trong đó có 10 dự án đang triển khai, 6 dự án đang làm thủ tục quyết toán. Tổng số vốn cấp năm 2023 là 914 tỉ đồng, nhưng khối lượng giải ngân đến ngày 10.10 là 221 tỉ đồng (chỉ đạt 24,2%). Theo kế hoạch và chỉ đạo từ Chính phủ, UBND TP.HCM thì đến 31.12 khối lượng giải ngân phải đạt chỉ tiêu 95%.
Một số dự án y tế vướng vấn đề như khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng nên các đơn vị trình Sở Xây dựng thẩm định và phê duyệt để triển khai (Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp).
Trước tình hình trên, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo phòng chức năng báo cáo ngay Sở Xây dựng để Thanh tra Sở Xây dựng thanh tra, xử lý theo nghiệp vụ chuyên môn đối với các nhà thầu thi công chậm. Từ đây đến cuối năm 2023, Sở Y tế tiếp tục chủ trì các buổi giao ban mời các nhà thầu, chủ đầu tư để làm việc.
"Tới đây, tất cả dự án không giao cho bệnh viện làm chủ đầu tư vì các giám đốc bệnh viện không am hiểu, không rành về xây dựng. Thay vào đó là giao Ban Dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư theo chủ trương của thành phố", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói.